Phân tích bài luận mẫu “Beauty”

 

— BÀI LUẬN ” VẺ ĐẸP” —

 

            Mọi người thường nói rằng vẻ đẹp bên trong quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài. Nhưng khi tôi nhìn vào gương và thấy khuôn mặt của mình chi chít toàn những khuyết điểm khó coi, thật khó để nói với bản thân điều đó. Khi tôi chuẩn bị vào trường trung học, mụn trứng cá của tôi trở nên tồi tệ hơn, và tôi chưa bao giờ tự ti mặc cảm đến thế. Vì vậy, vào mùa hè năm lớp 9, tôi dấn thân vào một nhiệm vụ khó khăn và thử thách không tưởng để lấy lại làn da trong trẻo, một trải nghiệm mà sau đó đã kết tinh lại thành một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của tôi.

            Chế độ ăn uống điển hình hàng ngày của tôi bao gồm ngũ cốc có đường cho bữa sáng; bánh mì kẹp thịt gà tây, soda và khoai tây chiên cho bữa trưa; một thanh kẹo ăn vặt; và cơm và mì xào cho bữa tối. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chế độ ăn uống của tôi chính là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá, nhưng suy nghĩ đó chợt xuất hiện khi tôi đang đọc một bài viết về chăm sóc da. Quá tuyệt vọng với gương mặt đầy mụn, tôi đã tìm kiếm “chế độ ăn để có làn da đẹp” trên Internet. Các trang web hiện lên đều lặp lại cùng một thông điệp: một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là rất quan trọng cho làn da đẹp. Các loại thực phẩm được khuyên sử dụng bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, các loại hạt và cá; 8 ly nước mỗi ngày và chỉ một lượng nhỏ thức ăn có hàm lượng muối cao, chất béo cao và đường cao. Tôi nghiên cứu sâu hơn và phát hiện ra rằng các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền mà tôi sử dụng không phải là câu trả lời cho vấn đề của tôi—rửa mặt nhẹ nhàng và một lớp kem chống nắng là những biện pháp giá rẻ có thể giúp làm giảm mụn. Tôi hiểu rằng việc thay đổi toàn bộ chế độ ăn uống và chu trình chăm sóc da đòi hỏi lòng kiên trì và một ý chí hết sức to lớn. Nhưng quyết tâm cải thiện làn da và sự tự tin, tôi bắt đầu thay đổi cách ăn uống của mình.

            Tôi bắt đầu bằng việc đưa trái cây và rau vào bữa ăn và thay thế ngũ cốc có đường với ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây chiên với cà rốt và mì xào với cá hồi. Suốt một tuần dài đau đớn, tôi duy trì chế độ ăn này và tự kiềm chế bản thân khỏi bất kỳ đồ ăn vặt nào. Tình trạng da của tôi thay đổi dần dần nhưng đáng kể. Đến cuối tuần, làn da của tôi trở nên mượt mà hơn, thông thoáng hơn và sáng hơn thấy rõ. Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu, chỉ ít ngày sau là tôi lại quay về con đường cũ vì không thể nuốt nổi món xà lách nhạt nhẽo và cà rốt dai nhách. Mỗi khi tôi dừng ăn uống lành mạnh, mụn liền lập tức quay trở lại, kinh khủng đến mức tôi cảm thấy ghê tởm đống mụn và khao khát làn da sạch đẹp đủ để buộc bản thân mình đi đúng hướng. Và sau đó là một chuỗi xen kẽ những cơn thèm ăn và sự tự kiềm chế đầy đau đớn. Tôi đã vật lộn với hai thứ cảm xúc này đến tận lúc quen hẳn với việc ăn uống lành mạnh, thậm chí là thích ăn như thế. Bây giờ, sau hai năm, làn da của tôi đẹp hơn bao giờ hết và tôi không hề quay lại cách ăn uống trước đây.

            Tôi không có giải thưởng hoặc huy chương nào để thể hiện thành tích đặc biệt này của mình. Nhưng không có thành tựu hàn lâm trên thế giới có thể phản ánh hết được những gì tôi đạt được từ kinh nghiệm của mình bằng việc thay đổi chế độ ăn uống: làn da khỏe mạnh, sự tự tin, và sức mạnh tinh thần mới được khai phá. Hơn thế nữa, tôi nhận ra rằng qua việc cải thiện ngoại hình, tôi đã làm phong phú thêm vẻ đẹp nội tâm của chính mình.

— PHÂN TÍCH LUẬN —

 

             Bài luận nói về một trải nghiệm hết sức gần gũi: cuộc chiến chống lại mụn của tác giả. Một chủ đề phổ biến trong các bài luận apply đại học là về các hoạt động nổi bật trong lĩnh vực học thuật hay ngoại khoá. Nhưng bài luận này cho thấy rằng những thành tựu trong đời sống cá nhân của một người, phản ánh rõ nét tính cách của người đó hoàn toàn có thể thành công như các bài luận viết về thành tích.

             Dễ thấy tác giả đã tỏ ra rất thành thật khi thú nhận sự tự ti, mặc cảm mỗi lúc nhìn thấy gương mặt đầy khuyết điểm của mình trong gương. Các chi tiết được mô tả cụ thể trong bài luận giúp ta thấy được những chông gai, thăng trầm trong “cuộc chiến” của tác giả. Giống như nhiều bài luận chia sẻ về điểm yếu và điểm mạnh, tác giả đã “nhân cách hoá” trải nghiệm, cho phép độc giả dễ dàng liên hệ đến bài viết. Ví dụ, chúng ta có thể ngưỡng mộ tác giả vì đã tự kiếm chế được bản thân trong “một tuần dài đau đớn” khi thực hiện chế độ ăn uống hoàn toàn khác. Hay ta cũng có thể thông cảm với tác giả trong việc “quay lại đường cũ” vì chắc hẳn ai cũng đã từng cố gắng thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn nhưng thất bại.

              Chi tiết mô tả về “món salad nhạt nhẽo và cà rốt dai nhách” đã thêm một chút hài hước cho bài luận, đồng thời nhấn mạnh sự khó khăn của tác giả trong việc thay đổi chế độ ăn uống của mình. Thay vì đưa một giải pháp xử lý vấn đề dễ dàng, tác giả thẳng thắn nói về quá trình đấu tranh nội tâm hết sức căng thẳng giữa “thèm ăn” và “tự kiềm chế”. Như vậy, ta thấy các bài luận không nhất thiết phải mô tả những thay đổi nhanh chóng và những khoảnh khắc toả sáng bất ngờ; những câu chuyện về sự biến đổi dần dần và các quá trình với nhiều thất bại hay “sự tái phạm” cũng có thể trở nên hấp dẫn. Trong trường hợp của tác giả này, cô đấu tranh với cảm giác thèm ăn và sự tự kiềm chế cho đến khi cô “trở nên quen với việc ăn uống lành mạnh.”

              Đoạn kết luận đã khéo léo tóm tắt các bài học chính được trình bày trong bài luận này. Bên cạnh thành quả rõ ràng là làn da khỏe mạnh, tác giả cũng đã đạt được “sự tự tin, và sức mạnh tinh thần mới khai phá.” Câu nói kinh điển về vẻ đẹp bên trong và vẻ đẹp bên ngoài vừa là mở đầu và cũng là kết thúc bài, góp phần tạo nên hiệu ứng “trọn vẹn” cho bài luận. Việc thay đổi thái độ đối với câu nói “vẻ đẹp bên trong quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài” cho thấy sự biến đối của tác giả. Ban đầu, tác giả nghi ngờ cả vẻ đẹp bên ngoài và bên trong của mình; nhưng sau hai năm quyết tâm thay đổi lối sống, cô thấy rằng chính thế giới nội tâm của mình lại được làm giàu bởi vẻ bề ngoài được chăm chút tốt hơn.

— Đội ngũ INCEPTION —